Khởi động

Một trong những câu hỏi (chính xác hơn là câu cảm thán) Quyên thường gặp nhất đó là “mình muốn làm ABC XYZ mà không biết bắt đầu từ đâu/bắt đầu như thế nào!”

Nghe quen không bạn?

Tất cả chúng ta, thậm chí ngay cả bản thân Quyên giờ đây ngồi chia sẻ qua khóa học như thế này, nhưng quay trở về thời điểm năm 2016 thì cũng… y chang như vậy – muốn làm mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Ngáo ngơ còn bị lừa mất 5 triệu tiền dịch vụ thiết kế blog!

Vậy thì, nếu bạn thật sự đang không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu TỪ ĐÂY nhé!

1. Mục đích của bạn là gì?

Trước khi bắt tay vào con đường trở thành blogger chuyên nghiệp, hãy luôn tự hỏi bản thân và trả lời thành thật với chính mình rằng bạn muốn làm điều đó để làm gì!

Có rất nhiều lý do để bắt đầu một blog: Viết để thể hiện bản thân, viết để giải tỏa cảm xúc, viết để lưu lại những kỷ niệm và cảm xúc trong cuộc sống, viết để chia sẻ và tìm sự đồng cảm, viết để (hy vọng) kiếm thêm thu nhập, v.v…

Với mỗi một mục đích viết khác nhau, bạn sẽ có những cách tiếp cận với công việc viết blog khác nhau. Nếu chỉ đơn thuần xem blog như một dạng nhật ký online, bạn sẽ không cần phải đầu tư hoành tráng vào nó. Ngược lại, nếu mong muốn biến blog thành một nguồn thu nhập thì chắc chắn bạn sẽ phải tính tới chuyện đầu tư ít nhiều rồi đó!

2. Mọi thứ đều cần thời gian

Khi mới bắt đầu làm blog, cho dù bạn có đọc 1001 nguồn tài liệu online đi chăng nữa thì cũng không thể nào làm đúng và làm đẹp ngay từ đầu được. Bản thân Quyên với trang misagjone.com cũng phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để có thể setup được blog, tìm theme ưng ý, thiết kế một cái logo hợp nhãn, màu sắc hài hòa, v.v…

Đó là về khâu kỹ thuật. Còn khâu viết bài, làm hình ảnh cũng vậy. Không phải cứ mở laptop lên là viết được liền đâu, còn phải điều chỉnh, sửa lỗi, tìm hình ảnh cho phù hợp, thậm chí là phải học cách chụp ảnh sao cho bắt mắt, chỉnh ảnh sao cho đẹp, và rất nhiều thứ khác nữa chứ. Bởi vậy, nếu bạn đang trong giai đoạn bắt đầu làm blog và cảm thấy sao mình cứ loay hoay hoài mà chưa xong đâu vào đâu thì đừng lo lắng quá nhé!

Rồi mọi thứ từ từ sẽ ổn thỏa hết thôi!

3. Hãy bắt đầu bằng việc… viết blog!

Nếu không phải là một người viết chuyên nghiệp, chắc chắn thời gian đầu khi làm blog, bạn sẽ cảm thấy công việc này có vẻ khó khăn quá. Làm sao để viết cho tốt/hay/nhanh/chuẩn SEO/câu view… và 1001 những vấn đề khác liên quan tới chuyện viết.

Lời khuyên đơn giản nhất của Quyên đó chính là… bạn hãy cứ viết thôi. Bài đầu không hay, bài thứ hai không hay, bài thứ ba cũng có thể không hay, nhưng chắc chắn tới bài thứ tư, thứ năm, thứ mười, thứ n và n + 1 thì bạn cũng phải có tiến bộ ít nhiều chứ! Không ai tự nhiên sinh ra mà có thể giỏi và thành thạo mọi thứ được. Tất cả đều phải qua một quá trình tự luyện tập thường xuyên và nỗ lực không ngừng nghỉ!

Khi viết, hãy thả lỏng tâm trí để đôi tay có thể tự do đánh máy. Đừng ngại ngùng hay sợ hãi liệu rằng bài của bạn có hay hay không, người đọc có chê cười hay không, hay thậm chí là có bị ném đá online hay không. Gạt hết mất thứ đó qua một bên đi nhé, vì… sự thật đắng lòng là những ngày đầu bạn viết blog thì… không ai đọc đâu mà ngại bị soi hay ném đá!

4. Thử nghiệm mọi kiểu blog

Lợi thế của một người mới bắt đầu viết blog đó chính là bạn có thể thử nghiệm mọi kiểu blog, mọi loại nội dung mà bạn thích, tất cả những kiểu theme bắt mắt, vân vân và mây mây, mà không sợ thương hiệu cá nhân của mình bị ảnh hưởng.

Thời gian đầu khi mới làm blog du lịch, Quyên cũng thử vô vàn kiểu, nào là du lịch toàn thế giới, du lịch bụi, du lịch tiết kiệm, du lịch sinh viên, du lịch một mình cho nữ, v.v… Dần dần, thông qua những thử nghiệm như vậy, Quyên mới có thể nhận ra và phát huy thế mạnh của mình (du lịch châu Âu), đồng thời loại bỏ đi những cái râu ria không phù hợp khác.

Nếu không đủ tự tin, bạn hoàn toàn có thể tạo một trang blog miễn phí trên các nền tảng phổ biến như Wix.com, WordPress.com, Blogger, v.v… để có thể thử nghiệm kiểu blog nào phù hợp với mình nhất. Khi đã tìm được “chân ái” của mình rồi thì hãy tính tới việc đầu tư chi phí vào blog cũng không muộn.

Complete and Continue